Bài 1. Hội An – Đô thị cổ, giá trị văn hóa và nghệ thuật

04/12/2019 | 218

Hội An, một trong những đô thị cổ xưa nhất của Việt Nam, có một bề dày lịch sử khoảng năm trăm năm, ẩn chứa nhiều giá trị, văn hóa sâu sắc.

Đô thị cổ Hội An chỉ chiếm một khoảng không gian chừng hai cây số vuông, thật nhỏ so với đô thị cổ Bến Nghé - Sài Gòn - Gia Định rộng bề thế, chỉ có bề dày lịch sử khoảng năm trăm năm, thật mỏng hơn nhiều so với Kẻ Chợ - Kinh Kì - Đông Đô - Thăng Long - Hà Nội với hàng ngàn năm văn hiến, không có các quần thể di tích lịch sử đồ sộ và phong cảnh hữu tình như cố đô Phú Xuân - Huế… thế mà làm sao miền đất cổ xưa này lại có sức vẫy gọi kỳ lạ đến như thế, không những đối với người dân ở mọi miền đất nước Việt Nam mà cả đối với các du khách và các nhà nghiên cứu ở nhiều quốc gia của các châu lục trên thế giới.

Cảnh buôn bán thời xưa của người Phố Hội

Hội An khác với các đô thị cổ trong nước ở chỗ mặc dù trải qua khoảng năm trăm năm với chức năng của một trung tâm ngoại thương với bến cảng, các khu phố ngoại kiều, dinh trấn quân sự không còn nữa và môi trường kiến trúc cũng đã đổi thay khác xưa, nhưng vẫn duy trì được cho đến nay một tổng thể với hàng trăm di tích lịch sử mang những nét đặc thù của nghệ thuật kiến trúc đô thị Việt Nam. Đô thị cổ Hội An là một bằng chứng sinh động về lịch sử hình thành và phát triển của các đô thị Việt Nam qua các thời đại, mang tính phổ quát của đô thị phương Đông nhiệt đới gió mùa. Đô thị cổ Hội An là một tập hợp các loại hình kiến trúc đô thị cổ với một cơ cấu cư dân đô thị còn nguyên vẹn. Sự nguyên vẹn trong kiến trúc đô thị đó vẫn được bảo tồn ở ba bình diện: hình thái đô thị, đơn vị không gian kiến trúc tức khu phố cổ và từng công trình kiến trúc riêng lẻ.

Lồng đèn - hình ảnh quen thuộc Phố Hội

Và hầu như toàn bộ các công trình lịch sử đó đều có chủ nhân của chúng, đều được sử dụng trong cuộc sống hiện tại… Đặc biệt trong chính các ngôi nhà cổ hình ống đã được xây dựng cách đây hàng trăm năm, các thế hệ con cháu đời sau vẫn tiếp tục sống nối tiếp các thế hệ cha ông của họ: đô thị cổ Hội An là như vậy đó, một thành phố cổ đang sống, hiếm thấy trên hành tinh chúng ta! Bởi vậy, ngày nay khi đi giữa phố phường của khu phố cổ, người ta cảm thấy lòng mình ấm cúng, cảm giác thân thương, cái xa xưa và cái hiện tại hòa quyện vào nhau trong cuộc sống hiện tại và trong tâm hồn của mỗi người dân ở nơi đây…

Chùa Cầu - Biểu tượng của Hội An, có lịch sử hơn 400 năm

   Cuộc điều tra cơ bản của các cơ quan thuộc các ngành văn hóa, khảo cổ, sử học, bảo tàng trong nước đã khảo sát được bảy trăm di tích lịch sử ở đô thị cổ Hội An và đã nhận thấy trong đó có hai trăm sáu mươi công trình đáp ứng được các chuẩn mực giá trị kiến trúc cổ từ các bộ phận đến toàn bộ mà điển hình là Chùa Cầu, Miếu Quan Công, Chùa Quan Âm, Hội Quán Phúc Kiến, Đình Cẩm Phô, Nhà thờ tộc Phạm, tộc Nguyễn, nhà cổ số 101 Nguyễn Thái Học, số 77 Trần Phú v.v…
 


(*) Xem thêm

Bình luận