Lịch sử về Cù Lao Chàm

28/11/2019 | 225

Trong khuôn khổ bài viết này, Ngày mới Travel thông tin đến độc giả nội dung liên quan đến lịch sử Cù Lao Chàm

Cù Lao Chàm là một cụm đảo gồm 8 hòn (Hòn Lao - lớn nhất, Hòn Khô Mẹ, Hòn Khô Con, Hòn Lá, Hòn Dài, Hòn Mồ, Hòn Tai, Hòn Ông), thuộc xã Tân Hiệp, Thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam. Dân số sinh sống trên đảo trên 3.000 người.

Trong khuôn khổ bài viết này, Ngày mới Travel thông tin đến độc giả nội dung liên quan đến lịch sử Cù Lao Chàm

1. Tên gọi Cù Lao Chàm

Cù Lao Chàm không chỉ đơn thuần là một cụm đảo với thảm động, thực vật dda dạng và phong phú; dưới góc độ văn hóa thì nơi đây còn được biết đến là một di tích văn hóa lịch sử gắn với sự hình thành và phát triển của Cảng thị Hội An – là nơi giao thoa giữa 02 nền văn hóa lớn của dân tộc Việt Nam (văn hóa Chăm Pa, văn hóa Đại Việt có sự buôn bán và giao lưu văn hóa cả phương Đông lẫn phương Tây), hiện nơi đây vẫn còn tồn tại nhiều chứng tích qua các công trình kiến trúc cổ của người Chăm và người Việt có niên đại vài trăm năm.

Hình 1. Cù Lao Chàm nhìn từ trên cao

Trên bản đồ Tây phương xưa thường ghi Cù Lao Chàm với với tên gọi là "Champello" lấy từ tiếng Nam-Ấn (Autronesian) "Pulau Champa". Cù lao Chàm còn có các tên gọi khác như Puliciam, Chiêm Bất Lao, Tiên Bích La…. Và từng là địa chỉ được đánh dấu đậm nét trên bản đồ hàng hải quốc tế ven biển Đông, từng là điểm dừng chân quen thuộc của thương thuyền nhiều nước ở phương Đông cũng như phương Tây trên các tuyến hải trình dọc theo các con đường hương liệu, tơ lụa, gốm sứ trên biển và cũng là một địa chỉ nổi tiếng trong quá trình giao thương buôn bán của các nước trên Biển Đông và được ghi chép lại qua các tư liệu lịch sử của các học giả trong và ngoài nước.

Hình 2. Cư dân sinh sống bằng nghề khai thác tài nguyên biển, đảo và du lịch

2. Ký ức “một thời” của Cù Lao Chàm gắn với thương cảng Hội An

Như đề cập trên, Cù Lao Chàm vốn là điểm dừng chân, mua bán và trao đổi rất nổi tiếng gắn với lịch sử phát triển thương cảng Hội An.

a) Thời văn hóa Chăm Pa (Chăm Pa cổ vốn có nhiều tên gọi khác nhau, nổi tiềng nhất là Lâm Ấp, có chiều dài lãnh thổ từ vùng đất dài trên dải miền Trung, mà bây giờ là từ Quảng Bình đến Ninh Thuận nên về cơ bản Hội An, Cù Lao Chàm nằm trong vùng đất của Chăm Pha, đây được xem là thương cảng khá sầm uất, góp phần đem lại sự phồn thịnh cho Lâm Ấp với kinh đô nổi tiếng là Trà Kiệu).

Ngay từ những thế kỷ đầu Công nguyên, phương tiện đi lại trên biển rất thô sơ, những chuyến hải hành liên quốc gia thường phải kéo dài trong nhiều tháng. Cũng trong thời gian đó, quan hệ thương mại giữa Trung Quốc và Ấn Độ được thiết lập. Con đường hàng hải nối giữa Trung Quốc và Ấn Độ đi từ phía Bắc Việt Nam, dọc theo bờ biển của bán đảo Đông Dương, qua bán đảo Mã Lai ở phần phía bắc và tới Kancipura ở miền Nam Ấn Độ. Một con đường khác không cắt ngang qua bán đảo, nhưng đi xuyên qua eo biển tới Malacca. Lúc này nhiều cảng thị hình thành trên bán đảo Đông Dương như: Phù Nam, Lâm Ấp… Chúng không chỉ là những trạm, những hải cảng quan trọng trên con đường hàng hải quốc tế, mà còn là nơi trú ngụ và điểm thu mua nhiều sản vật quý dùng để xuất khẩu như: trầm hương, hồ tiêu, ngà voi, tơ lụa, đồi mồi… Trong đó Cù Lao Chàm là điểm tiền tiêu trên biển thuộc vương quốc Champa, nó là hành lang nối giữa Trung Quốc với Ấn Độ, Ả Rập, Ba Tư, Ai Cập và các nước Châu Âu. Cho nên, Cù Lao Chàm có vị trí trọng yếu trong tuyến hàng hải khu vực, là điểm dừng chân rất thuận tiện để trao đổi hàng hóa, tích trữ lương thảo, nước ngọt của thương thuyền các nước trong cuộc hành trình đi đến các quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á và một số vùng lân cận.

Từ thế kỷ thứ VII đến thế kỷ thứ XII, con đường tơ lụa, hương liệu và gốm sứ được hình thành, hoạt động hàng hải trên biển Thái Bình Dương rất nhộn nhịp. Tàu buôn từ Địa Trung Hải đến Trung Quốc mang theo vàng bạc và kim loại khai thác được từ các mỏ Ba Tư và các vùng lân cận; cùng thủy tinh và các đồ trang sức là những sản phẩm của Trung Đông sang các nước phương Đông và Trung Quốc buôn bán, sau đó họ mua lại đồ gia dụng, tơ lụa, gốm sứ, lâm hải sản từ các nước này về. Trên chặng đường dài đó, họ đã đi qua quần đảo Cù Lao Chàm, để đi sâu vào vùng biển phía nam Trung Quốc và các hải cảng của Nhật.

Đặc biệt, cuối thế kỷ XV, các quốc gia ở phương Tây với nhiều đoàn thuyền khổng lồ ồ ạt tràn sang phương Đông để tìm kiếm thị trường, làm cho hoạt động thương mại trên biển của khu vực châu Á – Thái Bình Dương trở nên sôi động hơn, lần lượt lôi cuốn các nước phương Đông tham gia vào thị trường khu vực và thế giới đang hình thành, Việt Nam là một trong những nước nằm bên con đường thương mại quốc tế.

b) Thời văn hóa Đại Việt (Cùng với quá trình phát triển lãnh thổ về phía Nam của Đại Việt, một phần do bị thua trong cuộc chiến với Đại Việt, quốc vương Chăm Pa đồng ý nhượng một phần đất lại để đổi lấy tính mạng, phần vì sính lễ cưới công chúa Huyền Trân, nên cư dân Đại Việt dần sinh sống những vùng đất của người Chăm trong đó có Hội An).

Dưới sự dẫn dắt của các chúa Nguyễn (đứng đầu là chúa Nguyễn Hoàng), người Việt kế thừa những thành quả khai phá Chiêm cảng xưa của người Chăm và xây dựng Hội An trở thành một đô thị thương cảng sầm uất, phát triển mạnh mẽ trong các thế kỷ XVII – XVIII. Cửa Đại Chiêm trở thành một trong những cảng thị thuận lợi để tàu thuyền quốc tế cập bến, trao đổi mua bán hàng hóa. Thương thuyền của các nước Nhật Bản, Trung Quốc, Xiêm La, Miến Điện, Malaixia, Bồ Đào Nha, Anh, Pháp, Hà Lan… đến Hội An buôn bán, thường phải qua trạm kiểm soát và thu thuế ở Cù Lao Chàm.

Cù Lao Chàm trở thành một thương cảng sôi động ở khu vực Đông Nam Á trong nhiều thế kỷ và là điểm dừng chân của các thuyền buôn trong nước cũng như quốc tế. Nguồn hàng hóa phong phú của xứ Quảng cùng vị trí thuận lợi trong con đường tơ lụa trên biển của cửa Đại Chiêm và Cù Lao Chàm, cộng với chính sách mở cửa của các chúa Nguyễn, đã nâng cao vai trò vùng đất Quảng Nam trong quá trình phát triển của xứ Đàng Trong.

c) Suy yếu của vị trí thương cảng

Cùng với quá trình bồi lấp dòng sông Thu Bồn, điều kiện cho những tàu lớn Phương Tây khó tiếp cận, đi cùng với lịch sử xâm lược của thực dân Pháp họ cũng ra sức đầu tư đáp ứng mục tiêu đó thì cảng Đà Nẵng phù hợp hơn về độ sâu và kín gió. Năm 1835, vua Minh Mạng có dụ: “Tàu Tây chỉ được đậu tại cửa Hàn, còn các cửa biển khác không được tới buôn bán”, thì Đà Nẵng trở thành một thương cảng lớn bậc nhất miền Trung, khi đó vai trò thương cảng Hội An ngày càng giảm.

Hình 3. Bảng hiệu chào mừng du khách đến với Cù Lao Chàm

Trên cơ sở thế mạnh khi Cù Lao Chàm có một hệ động thực vật phong phú và những di tích lịch sử hàng trăm năm trước; Cù Lao Chàm được công nhận là Khu Bảo tồn thiên nhiên (10/2003), là một trong 15 Khu Bảo tồn biển của Việt Nam vào thời điểm 2007, đặc biệt vào ngày 29/5/2009, Cù Lao Chàm chính thức được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới, đây được xem là tiêu chuẩn vàng các quốc gia hướng tới, trong đó điểm nhấn Di sản văn hóa thế giới - Phố cổ Hội An nằm trọn trong Khu dự trữ sinh quyển này. Điều này góp phần Hội An có nhiều giải pháp để phát huy thế mạnh của Cù Lao Chàm theo chiều hướng bền vững gắn du lịch và kinh tế biển.

Hình 5. Cù Lao Chàm được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới

Hình 6. Ngư dân thả rùa về với biển

Hiện nay, du khách đến Hội An gần như không thể bỏ qua Cù Lao Chàm. Theo số liệu thống kê, trong năm 2018 có 420.000 lượt khách ghé tham đảo, trung bình mỗi người dân đón 175 khách/năm.

Hình 7. Du khách đến tham quan Cù Lao Chàm

Nếu quý khách có nhu cầu tham quan Hội An, Cù Lao Chàm, Hội An – Đà Nẵng và tour di sản miền Trung: Hội An - Đà Nẵng - Huế - Quảng Bình, vui lòng liên hệ 0916664149 để được tư vấn cụ thể hơn điểm đến, chi phí phù hợp với nhu cầu nhất của quý khách, rất hân hạnh được phục vụ./.

Ngày mới Travel


(*) Xem thêm

Bình luận