Bài 2. Công trình kiến trúc cổ còn tồn tại ở Hội An

04/12/2019 | 204

Hội An, một trong những đô thị cổ xưa nhất của Việt Nam, có một bề dày lịch sử khoảng năm trăm năm, ẩn chứa nhiều giá trị, văn hóa sâu sắc. Hiện nay vẫn còn rất nhiều công trình kiến trúc cổ tại Hội An.

Bài 1 “Hội An – Đô thị cổ, giá trị văn hóa và nghệ thuật”

 

 Các công trình kiến trúc cổ còn tồn tại ở đô thị cổ Hội An có thể xếp thành ba nhóm:

         - Trước hết là nhóm các công trình tín ngưỡng bao gồm các đình, chùa, đền, miếu, lăng, hội quán, nhà thờ tộc, mộ cổ… Qua các công trình này, người ta thấy rõ kiến trúc ở khu phố cổ Hội An là kết quả của một sự giao thoa, hòa điệu giữa các nền văn hóa của Đông Nam châu Á và Viễn Đông, góp phần làm phong phú thêm tính đa dạng của di sản văn hóa của dân tộc Việt Nam.

Hội quán Phước Kiến Hội An

          - Nhóm các công trình dân sự bao gồm những đường phố hẹp, nhà ở, khu chợ, giếng cổ và cầu. Trong nhóm kiến trúc này, nhà ở là loại hình quan trọng nhất, là đơn vị cơ bản cấu thành đô thị. Nhà cổ ở Hội An chia thành nhà rường và nhà phố.  Nhà rường có kết cấu xây dựng tương tự như ngôi nhà cổ truyền Việt Nam, thoáng mát với ba gian hai chái, mái ngói âm dương (lợp ngửa và sấp), sân gạch và vườn cây.
 

Một góc Hội An

            Nhà phố có kiến trúc hình ống còn gọi là “nhà ruột ngựa”, dài gần mấy chục mét, là nơi sống và buôn bán của giới thương nhân người Hoa và người Việt trước đây. Không gian ngôi nhà chia làm ba phần: nếp nhà trước là cửa hàng buôn bán, nơi giao dịch, tiếp đó là sân trời tránh nắng và nhà cầu nối liền với nếp nhà sau là nơi sinh sống và kho hàng; cuối cùng là sân sau với nhà bếp, giếng nước, nhà vệ sinh. Hai mặt nhà phía trước và phía sau đều thông ra các mặt đường hoặc mặt trước thì thông ra đường còn mặt sau thì thông ra bến sông.


           - Nhóm các công trình bảo vệ là những tòa thành cổ, chỉ còn là một vài đoạn như tòa thành cổ Thanh Chiêm, thủ phủ của dinh trấn Quảng Nam thời xưa.

Ngày mới Travel
 


(*) Xem thêm

Bình luận