Lịch sử Hội An

26/11/2019 | 214

Phố cổ Hội An nằm gần trọn trong thành phố Hội An, là 1/18 đơn vị hành chính của tỉnh Quảng Nam. Hội An được biết đến là điểm du lịch nổi tiếng trên con đường di sản miền Trung, cả nước thậm chí của thế giới. Dấu ấn Hội An để lại cho người con xa quê và du khách có dịp đặt chân đến đây là sự yên bình, nhẹ nhàng và cổ kính.

Hội An từng được biết đến là thương cảng nổi tiếng, độc đáo của Đông Nam Á, thậm chí cả Châu Á, với nhiều tên gọi khác nhau như Lâm Ấp, Faifo hay Faifoo, Hoài Phố. Trên cơ sở tổng hợp từ nhiều nguồn, Ngày mới Travel (Newday travel) biên soạn vài nét về lịch sử Hội An như sau:

1. Hội An dưới thời vương quốc Chăm Pa (thế kỷ 9-10), với tên gọi Lâm ấp Phố, Hội An đã từng là cảng thị phát triển, thu hút nhiều thương thuyền Ả Rập, Ba Tư, Trung Quốc đến buôn bán, trao đổi vật phẩm.

Nhiều thư tịch cổ ghi nhận đã có một thời gian khá dài, Chiêm cảng – Lâm ấp Phố đóng một vai trò quan trọng trong việc tạo nên sự hưng thịnh của kinh thành Trà Kiệu và khu di tích đền tháp Mỹ Sơn.

Với những phế tích móng tháp Chăm, giếng nước Chăm và những pho tượng Chăm (tượng vũ công Thiên tiên Gandhara, tượng nam thần tài lộc Kubera, tượng voi thần …) cùng những mảnh gốm sứ Trung Quốc, Đại Việt, Trung Ðông thế kỷ 2-14 được lấy lên từ lòng đất càng làm sáng tỏ một giả thiết từng có một Lâm ấp Phố (thời Chăm Pa) trước Hội An (thời Ðại Việt), từng tồn tại một Chiêm cảng với sự phát triển phồn thịnh.

Hình 1. Bản độ Quảng Nam thời Lê Trung Hưng - 1741

2. Hội An dưới thời Đại Việt (khoảng thế kỷ 16 đến thế kỷ 19), được biết đến là một đô thị - thương cảng được tái sinh và phát triển thịnh đạt. Do hấp lực của cảng thị này, cùng với “con đường tơ lụa”, “con đường gốm sứ” trên biển hình thành từ trước, nên thương thuyền các nước Trung, Nhật, Ấn Độ, Xiêm, Bồ, Hà, Anh, Pháp … tấp nập đến đây giao thương mậu dịch.

Theo các nguồn sử liệu, lượng tàu thuyền vào ra bến cảng tấp nập đến nỗi cột buồm của chúng “như rừng tên xúm xít” (Trích Ðại Sán – Hải ngoại ký sự), còn hàng hóa thì “không thứ gì không có”, nhiều đến mức “cả trăm chiếc tàu to chở cùng một lúc cũng không hết được” (Lê Quý Ðôn – Phủ biên tạp lục). Trong thời kỳ này, Hội An là đô thị - thương cảng quốc tế phát triển rực rỡ vào bậc nhất của cả nước và cả khu vực Ðông Nam Á, là cơ sở kinh tế trọng yếu của các chúa Nguyễn, vua Nguyễn ở Ðàng Trong.

3. Từ cuối thế kỷ 19, do chịu sự tác động của nhiều yếu tố bất lợi, “cảng thị thuyền buồm” Hội An suy thoái dần và mất hẳn, nhường vai trò lịch sử của mình cho “cảng thị cơ khí trẻ” ở Ðà Nẵng. Nhưng cũng nhờ đó mà Hội An đã tránh khỏi được sự biến dạng của một thành thị trung – cận đại dưới tác động của đô thị hóa hiện đại để bảo tồn cho đến ngày nay một quần thể kiến trúc đô thị cổ hết sức độc đáo, tuyệt vời.

Hình 2. Chùa Cầu - Biểu tượng Hội An, có lịch sử trên 400 năm

4. Hội An hiện đại

Sau khi giành được độc lập, cũng tương tự như đơn vị khác, Hội An trải qua quá trình thăng trầm đáng kể, nhiều sai lầm gây ảnh hưởng ít nhiều đến các di tích. Với tinh thần quyết liệt của chính quyền, sự đồng hành của người dân và đặc biệt chung sức của các đại sứ, người nước ngoài bén duyên tại đây góp phần “cứu” và khởi phát được các giá trị Hội An đang có.

Cùng với Mỹ Sơn, năm 2009 Hội An được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới. Đến tháng 01/2008 Hội An chính thức được chuyển từ thị xã lên Thành phố, là một trong hai thành phố của tỉnh Quảng Nam.

Hiện nay, Hội An được biết đến là điểm tham quan không thể bỏ qua khi đến với miền Trung, nằm trong con đường di sản miền Trung (Phố Cổ Hội An, khu đền tháp Mỹ Sơn, Cố đô Huế và Phong Nha - Kẻ Bàng). Theo số liệu từ Thành phố Hội An, trong năm 2018 Hội An đón gần 5 triệu lượt khách, tăng trên 50% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khách quốc tế gần đạt 3,8 triệu lượt.

Newday Travel


(*) Xem thêm

Bình luận