Cảnh quan sinh thái - văn hóa liên quan đến sông nước ở Cẩm Kim
Xã Cẩm Kim có địa hình tiếp giáp với sông Thu Bồn ở phía bắc và phía tây bắc. Điều kiện tự nhiên này tạo cho cảnh quan sinh thái - văn hóa nói chung, cảnh quan liên quan đến sông nước nói riêng ở Cẩm Kim có một số đặc điểm nổi bật.
Thứ nhất là hình thành nên hệ thống bến đò ngang dày đặc để giao thông với khu vực lân cận. Từ Câu Lâu, sông Thu Bồn chảy về đến địa phận xã Cẩm Kim ở phía tây và thôn Triêm Tây thuộc xã Điện Phương rẽ thành hai nhánh. Một nhánh chảy về hướng Đông bao bọc phần đất phía tây của xã kéo dài từ đầu Gò Mồ đến cuối cồn Trùm Tự. Khu vực này hiện không có cư dân sinh sống, cảnh quan tương đối hoang sơ. Trước đây bờ sông này có một số bến đò hoạt động như bến Mỏ Neo, bến đò ông Cúc (còn gọi là bến đò bà Ngân)... nhưng hiện không còn dấu tích. Một nhánh chảy về phía bắc hợp với nhánh sông khác của sông Thu Bồn chảy về phía đông bao bọc phần đất phía bắc của xã kéo dài từ thôn Phước Thắng đến thôn Đông Vĩnh. Thông tin điều tra cho biết trước đây, bờ sông này có rất nhiều bến đò ngang phân bố từ thôn Phước Thắng trở xuống như: bến Ba Nữ (tên khác là bến bà Què), bến Lò Gạch (thôn Phước Thắng), bến Chùa, bến đò Thôn 3, bến Sứa (trước là bến bà Miên), bến bà Phú, bến xã Hường (thôn Trung Châu), bến bà Hoài, bến đò Cẩm Kim, bến Đội 4 (thôn Trung Hà), bến ông Nhựt, bến ông Bê, bến bà Mân, bến ông Tính (thôn Đông Hà). Hiện nay, do nhiều nguyên nhân nhiều bến đò không còn hoạt động. Tuy nhiên tại khu vực các bến trước đây hiện là nơi neo đậu tàu thuyền của người dân với những cây cầu tre nhỏ nhắn bắt từ bờ ra làm cho cảnh quan bờ sông rất ấn tượng như: khu neo đậu ghe thuyền của ngư dân làm nghề giã cào dọc hói bà Mau ở thôn Trung Châu, khu neo đậu ghe thuyền ở bờ phía nam hói Nam Giang thuộc thôn Trung Hà, khu neo đậu tàu thuyền tại bến ông Nhựt ở thôn Đông Hà, khu neo đậu tàu thuyền ở bến ông Bê thuộc thôn Đông Vĩnh.
Sông nước Cẩm Kim - Ảnh: Phước Tịnh
Thứ hai là hình thành nên một số hói nước tự nhiên dọc bờ sông. Qua khảo sát đã ghi nhận ở Cẩm Kim hiện có 9 hói nước, gồm: hói Đa (thuộc thôn Phước Thắng), hói bà Mẹo, hói bà Mau, hói lạch Xể, hói Nam Giang (thuộc thôn Trung Châu), hói bà Dày, hói Trùm Khiêm (thuộc thôn Trung Hà), hói Cửu Tiếp (thuộc thôn Đông Hà), hói Hương Phòng (thuộc thôn Đông Vĩnh), trong đó chỉ có hói bà Mau, hói Nam Giang và hói Hương Phòng tiếp giáp với sông. Các hói còn lại chỉ là lạch nước nhỏ từ các hói phân nhánh ăn sâu vào địa hình (hói bà Dày, hói lạch Xể), hoặc vũng nước là dấu vết con hói cũ bị bồi lấp (hói Đa, hói Cửu Tiếp, hói Trùm Khiêm) hay vùng trũng thấp không còn nước (hói bà Mẹo). Các hói này đều chạy theo trục đông tây. Trước đây, hói Hương Phòng là nơi hợp lưu của 3 con hói: hói Cầu Lim, hói bà Chiêm và hói bà Đệ; hói Nam Giang là nơi hợp lưu của 3 con hói: hói bà Dày, hói lạch Xể và hói Bảy Thi, nhưng dần dần bị bồi lấp, cắt dòng để lại một số hói như: hói Đa, hói Cửu Tiếp, hói Trùm Khiêm như hiện nay. Dấu tích còn lại là những vùng đất thấp, trũng để sản xuất nông nghiệp (các cánh đồng). Vào mùa mưa, các hói trở thành mương thoát nước tự nhiên cho khu dân cư cũng như các cánh đồng.
Cảnh quan sông nước Cẩm Kim - Ảnh: Hồng Việt
Hiện trạng các hói có cửa vào tương đối nhỏ, đa số ăn vào đất liền không nhiều, bề ngang hẹp. Giữa hói là dòng nước neo đậu tàu thuyền, hai bên bờ có những bãi đất cao trồng cây lác, một số cây dại cũng mọc từng cụm nhỏ rải rác (cây rán, cây lau). Nhìn chung, các hói này hầu như còn giữ được vẻ tự nhiên, có không gian tương đối thoáng và đẹp. Dòng nước trong xanh nhỏ nhắn uốn mình qua từng bờ đất, hai bên là thảm xanh của cây lác được điểm xuyến bởi những bụi cây rán, cây lau, những con thuyền nhỏ lửng lờ trên mặt nước níu dây vào mé trụ cầu tre. Xung quanh các hói đã có đường bê tông thuận tiện để dừng chân ngắm nhìn vẻ đẹp tự nhiên và hoang sơ của toàn bộ khung cảnh này.
Bến sông ở Cẩm Kim - Ảnh Hồng Việt
Thứ ba là hình thành nên một số bãi bồi lớn ở giữa sông. Ở Cẩm Kim hiện có hai khu vực bãi bồi giữa sông lớn là bãi bà Mau (thuộc thôn Trung Châu) và khu Vĩnh Thành (thuộc thôn Đông Vĩnh). Các khu vực này được bao bọc xung quanh bởi các nhánh sông Thu Bồn. Địa hình tương đối thấp, kéo dài theo trục đông tây, nền đất không ổn định, thường xuyên bị xói lở, bồi lấp nhất là sau mỗi đợt lũ. Bãi bà Mau được bồi đất mạnh cách khoảng chục năm trở lại đây và đang tiếp tục có xu hướng bồi thêm. Bãi này hiện không có người sinh sống. Đất ở bãi này chủ yếu là cát phù sa tương đối cằn cỗi. Phía đông có một vài đám lác, sậy. Phía tây là khu vực chăn nuôi gia súc của một số hộ dân. Dọc bờ phía tây nam lác đác có những bụi tre xanh. Nhìn chung cảnh quan bãi này còn tương đối trống trải, hoang sơ. Khu vực Vĩnh Thành nằm về phía đông xã Cẩm Kim, được bao bọc xung quanh là các nhánh của sông Thu Bồn, riêng phía bắc giáp với phần đất của thôn Nam Ngạn cũ thuộc phường Cẩm Nam. Từ năm 2009, toàn bộ dân cư sinh sống ở đây đã được di dời đi nơi khác do tình trạng sạt lỡ mạnh. Hiện trạng khu đất tương đối bằng phẳng, cao ở phía tây và thấp dần về phía đông. Hệ thống cây xanh ở đây tương đối phong phú. Một số khu vực còn giữ lại các rặng tre. Phía đông nam có rừng dừa nước xanh ngắt. Đặc biệt hệ thống cây xanh trong các vườn nhà dân vẫn còn lại khá nhiều, phân bố dày và phong phú về các loại cây như dừa, cau, chuối, khế, thầu đâu,... Hiện ở khu đất có một số cây xanh cổ thụ đã được trồng ít nhất cách nay hàng chục năm như cây bàng ở ngôi miếu đầu bãi, cây bồ đề ở lăng Bà, một số cây khế, cây gòn.
Từ Cẩm Kim nhìn lại phố cổ cách dòng sông Hoài
Có thể nhận thấy cảnh quan sinh thái - văn hóa liên quan đến sông nước ở Cẩm Kim tương đối phong phú và có những điểm nổi bật so với các địa phương khác ở Hội An. Thiết nghĩ đây là một lợi thế mà địa phương có thể tận dụng phát huy thành nguồn lực để phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội trong thời gian đến.
Trích nguồn: Nguyễn Cường - Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An
Xem thêm