Chùa Hải Tạng trên đảo Cù Lao Chàm - Ngày mới Travel

28/11/2019 | 219

Trong khuôn khổ bài viết này, Ngày mới Travel thông tin đến độc giả nội dung liên quan đến Chùa Hải Tạng trên đảo Cù Lao Chàm

Cù Lao Chàm là một cụm đảo gồm 8 hòn (Hòn Lao - lớn nhất, Hòn Khô Mẹ, Hòn Khô Con, Hòn Lá, Hòn Dài, Hòn Mồ, Hòn Tai, Hòn Ông), thuộc xã Tân Hiệp, Thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam. Dân số sinh sống trên đảo trên 3.000 người. Cù Lao Chàm hiện nay được biết đến là là một trong 15 Khu Bảo tồn biển của Việt Nam và được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới , đây được xem là tiêu chuẩn vàng các quốc gia hướng tới, trong đó điểm nhấn Di sản văn hóa thế giới - Phố cổ Hội An nằm trọn trong Khu dự trữ sinh quyển này. Cù Lao Chàm còn được biết đến là một trong những chứng tích về sự giao thoa 02 nền văn hóa lớn của Việt Nam. Hiện nay, Cù Lao Chàm được biết đến là một điểm du lịch nổi tiếng của Hội An, đến đây quý khách có dịp khám phá và tìm hiểu nhiều về văn hóa, cuộc sống con người và thiên nhiên nơi đây.

Cù Lao Chàm được nhìn từ trên cao

Đến Cù Lao Chàm, quý khách được tham quan nhiều điểm thú vị như Giếng cổ Chăm, Bãi Đá chồng, Khu bảo tồn sinh vật biển, thưởng thức các đặc sản nơi đây, được thả hồn vào thiên nhiên trong lành nhất. Bài này, NewDay Travel giới thiệu đến các bạn truyền thuyết và những câu chuyện kỳ thú của Chùa Hải Tạng.

Đường vào Chùa băng qua cánh đồng trồng lúa duy nhất trên Đảo

Từ Bãi Làng trên đảo Hòn Lao, men theo những con đường nhỏ ngoằn ngoèo chừng 300m là đến xóm Cốm, nơi có chùa Hải Tạng trầm mặc cổ kính.

Ấn tượng đầu tiên là cổng tam quan đầy rêu phong nhuộm màu thời gian. Tam quan với lối kiến trúc xưa gồm 4 trụ biểu cao 5m, chóp trụ có khối hình hoa sen, rộng 1,5m. Tam quan được chia làm ba cổng, với hai lối vào nhỏ và một lối vào lớn được thiết kế theo kiểu mái vòm, bờ nóc, bờ hồi đắp nổi nhiều đường nét uốn lượn mềm mại, uyển chuyển và bên trên lợp ngói âm dương. Kết nối tam quan là bức tường thành bằng đá bao bọc xung quanh trang nhã với những đường nét hoa văn gọn gàng bao lấy khu vực và cả khuôn viên ngôi chùa.

Cổng Tam quan - đặc trưng trong văn hóa phật giáo Việt Nam

Phía trước sân chùa là tượng Bồ-tát Quan Âm đứng trên đài sen giữa lòng hồ sen nhỏ, mặt hướng về phía biển Đông như che chở cho cuộc sống an lành của những ngư dân nơi đây.

Chùa được xây dừng vào năm Cảnh Hưng thứ 19 (1758) ở vị trí cách nơi này khoản 200m về phía bắc vì do bão làm hư hại nặng nề, để thuận tiện cho các tín đồ đến hành lễ Chùa được xây dựng vào năm Cảnh Hưng thứ 19 (1758) ở vị trí cách nơi này khoảng 200m về hướng đông bắc, sau vì do bão làm hư hại nặng và để thuận tiện cho các tín đồ đến hành lễ nên vào năm Tự Đức nguyên niên (1848) Chùa được dời về vị trí hiện nay và tiếp tục được tôn tạo khang trang hơn. Đây là một công trình đẹp, có quy mô lớn với kiến trúc kiểu “chồng rường giả thủ” chia 3 gian 2 lòng, có hậu tẩm, kết cấu vì kèo gỗ và các chi tiết kiến trúc được chạm trổ công phu. Chùa tọa lạc sát chân núi phía Tây của đảo Hòn Lao, thuộc xã Tân Hiệp (Hội An), phía sau tựa vào núi, mặt nhìn ra một thung lũng nhỏ là cánh đồng lúa duy nhất của Cù Lao Chàm.

Tượng Phật Quan Âm ngay trong khuôn viên Chùa, đứng trên đài sen đặt trong hồ sen

Chùa ở vào thế phong thủy lý tưởng, tọa lạc sát chân núi phía Tây của Hòn Lao thuộc Cù Lao Chàm, lưng tựa núi vững chãi, mặt tiền xoay theo hướng Tây – Tây Nam nhìn thẳng vào núi Bà Mộc như thể hòn xôi án ngữ. Đây là hướng nhìn lý tưởng, bởi có sự thông thoáng, tiền hậu, tả hữu phân minh. Ngay dưới chân là đồng ruộng, khu dân cư và mờ xa về đất liền là Đô thị cổ Hội An. Phía Nam có khoảng trống gió lùa trải dài qua Rừng Cấm (nay là Xóm Cấm) đưa hơi nước từ Hòn Nhờn lướt qua trước mặt thổi lên khu dốc Chùa. Theo truyền thuyết, trước đây khu này rừng rậm có nhiều trăn, rắn độc. Vì thế, để an toàn, tường thành bao bọc xung quanh chùa được xây bằng đá, cổng tam quan phía trước gồm 3 lối vào, tam quan tạo dáng vòm, mái lợp ngói âm dương và đắp nhiều con giống. Toàn bộ tam quan cao 5m, rộng nhất 1,5m, dài 6m. Kề ngay đấy là 4 trụ biểu, trên chóp trụ có khối hình hoa sen cánh lật… Dù thiên nhiên khắc nghiệt, lại phải đương đầu với nhiều trận cuồng phong hàng trăm năm qua nhưng đến nay, công trình chính vẫn vững vàng, bề thế. Tuy nhà Tây đã bị sập hoàn toàn, nhà Đông còn lại phần kiến trúc chính nhưng toàn bộ di tích vẫn toát lên vẻ hào sảng uy nghiêm hiếm thấy ở các di tích khác. Chính điện lợp ngói âm dương, bờ nóc, bờ hồi đắp nổi nhiều đường nét uốn lượn mềm mại, uyển chuyển tạo cảm giác nhẹ nhàng.

Chùa Hải Tạng được lợp bằng ngói Âm - Dương, loại kiến trúc đặc trưng ở Hội An

Lùi vào mái hiên khoảng 2,5m là hệ thống cửa (thường khép kín), thượng song hạ bản, gồm 3 bộ, mỗi bộ 4 cánh ngăn không gian bên ngoài với không gian nội thất. Toàn bộ nếp nhà chính này có hệ vì kèo kết cấu kiểu “chồng rường giả thủ” chia làm 3 lòng. Việc mở rộng diện tích ở đây được sử dụng biện pháp tăng thêm lòng nhà bằng cách tăng cường hệ liên kết các cây rường, cột cái, cột quân và giả thủ trong thế đỡ thẳng lên đòn tay (hoành), lòng 3 của mái trước được ngăn cách bởi hệ thống cửa tạo thành mái hiên. Với lối kiến trúc này, cộng với liên kết ngang gồm 4 vì (vài) chia làm 3 gian, tạo cho không gian nội thất của chùa thông thoáng, vừa có chiều cao, vừa có chiều sâu và mở rộng.

Kiến trúc ngôi chùa theo kiểu 3 gian

Hệ thống hoành phi, câu đối sơn son thếp vàng, uy nghiêm, lớp lang huyền ảo thiêng liêng hài hòa với cấu trúc tượng pháp thờ tự đa dạng. Nổi bật ở chánh điện là bộ Tam thế Phật. Kế đến là tượng Thích Ca ngồi trên đài sen. Đặc biệt, trong chùa hiện vẫn còn lưu giữ đại hồng chung rất có giá trị về mặt lịch sử và văn hóa. Trên chuông có một con rồng mang phong cách mỹ thuật Việt thời Lê sơ. Có nhiều ý kiến cho rằng quả chuông ở chùa Hải Tạng được chú tạo trước cả thời điểm xây dựng chùa. Chùa Hải Tạng thuộc thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh, nhưng cách bố trí thờ tự ở đây có sự khác biệt so với cách bố trí thờ tự của một số chùa thuộc Lâm Tế Chúc Thánh như chùa Vạn Đức, Chúc Thánh, Phước Lâm. Ở đây vẫn giữ cách bố trí thờ tự của thời kỳ Tam giáo đồng nguyên. Phía trước Tam quan đặt tượng Quan Âm Nam Hải được xây dựng gần đây. Tại Đại Hùng Bảo Điện thờ Tam thế Phật ở tầng trên cùng, tiếp đến là Thích Ca Mâu Ni, tầng dưới cùng là Ngọc Hoàng. Hành lang phía Tây chính điện bố trí tượng Long Thần, có người gọi là Già Lam Thánh Chúng và Địa Tạng. Hành lang phía Đông chính điện bố trí tượng Hộ pháp, Tam thánh gồm Quan Công, Quan Bình và Châu Xương. Trước đây chùa có thờ Thập Bát La Hán nhưng do chiến tranh tàn phá nên tượng bị vỡ và không còn thờ tại chính điện nữa. Hậu điện thờ Tổ sư Bồ Đề Đạt Ma và ký tự những người đã khuất.

Ngôi chùa đươc đặt Cù Lao Chàm - không khí trong lành, biển xanh, cát trắng, con người hiền hòa, mến khách

Tương truyền các cây cột được làm từ ngoài Bắc đem về làm một chùa nào đó trong Nam nhưng khi về đến Cù Lao Chàm vì trời tối nên phải neo ghe nghỉ lại. Sáng ra, ghe kéo neo đi tiếp, nhưng thật lạ lùng, biển tự dưng sóng dậy, ghe cứ xà quần, tới lui lòng vòng không đi ra khỏi Lao. Sau có người trong đoàn lên cúng xin keo mới biết dàn cột này phải để lại dựng chùa cho Cù Lao Chàm không được đem đi. Vì thế chùa dựng lên lấy tên là Hải Tạng. Hải là biển, Tạng là kinh, ý nói Chùa là nơi hội tụ kinh tạng mênh mông như biển. Một ý khác là Kinh Tạng của Nhà Phật đây được hội tụ từ mọi con đường trên biển.

Chùa Hải Tạng trước đây có Sư trụ trì, nhưng hiện nay không còn, thay vào đó là Ban trị sự địa phương quản lý và trông nom. Trưởng ban trị sự là ông Trần Duy Cảo, cùng hai Phó ban là ông Trần Cau và ông Nguyễn Thông và đặt biệt là vợ chồng già lão Từ luôn túc trực trông nom hương khói. 

Cũng như bao ngôi chùa khác, hàng năm ở đây thường tổ chức những ngày lễ lớn của Phật giáo như ngày 15/1 cúng Cầu an, 15/4 lễ Phật đản, 15/7 lễ Vu Lan; vào các ngày 19/2, 19/6, 19/9 lễ vía Quan thế âm. Còn sinh hoạt của Phật tử tại đây diễn ra vào chiều thứ 7 hàng tuần, mọi người đến đọc kinh niệm phật và sinh hoạt. Hiện nay, chùa còn lưu giữ nhiều hiện vật, tư liệu có giá trị như tượng cổ, chuông đồng, bia đá, hoành phi…

Du khách tham quan, tắm biển làn nước xanh ngắt tại Cù Lao Chàm

 Tôi vốn là người gốc nơi đây, đã từng xa quê, lập nghiệp nơi Sài Gòn rộn rã cũng đầy vội vã, trở về quê hương, Hội An với tôi như người con gái trầm mặc, nhẹ nhàng nhưng có sức quyến rũ đến lạ thường, một li café sáng, ngắm Phố Hội với trong sáng mai hoặc đêm về khuya luôn đem lại chút gì đó lý thú với chính tôi. Nếu các bạn có dịp đến Hội An, hãy alo cho tôi qua 091 666 4149, tôi sẽ giúp bạn thẩm thấu, tư vấn giúp các bạn nhằm giúp các bạn có sự trải nghiệm đầy thú vị nơi đây không nhất thiết các bạn thuê tôi hướng dẫn viên cho các bạn, một li café như những người bạn là đủ - Hội An đơn sơ vậy đó các bạn à, đón chào các bạn đến với Hội An./.

Ngày mới Travel


(*) Xem thêm

Bình luận