Bài 3. Đặc trưng trong kết cấu kiến trúc các công trình cổ tại Hội An

04/12/2019 | 231

Hội An, một trong những đô thị cổ xưa nhất của Việt Nam, có một bề dày lịch sử khoảng năm trăm năm, ẩn chứa nhiều giá trị, văn hóa sâu sắc. Hiện nay vẫn còn rất nhiều công trình kiến trúc cổ tại Hội An. Kết cấu kiến trúc cổ của các công trình tại Hội An

Bài 1 “Hội An – Đô thị cổ, giá trị văn hóa và nghệ thuật”

Bài 2. Công trình kiến trúc cổ còn tồn tại ở Hội An

 

 Điều đặc biệt là trong các công trình kiến trúc ở đô thị cổ Hội An, các nghệ nhân làng Kim Bồng đã sử dụng các loại vì kèo khác nhau gọi là “vì kẻ chuyền” và “vì vỏ cua” đặc trưng cho phong cách kiến trúc Việt cổ kết hợp với các loại vì kèo gọi là “vì chồng rường” đặc trưng cho phong cách kiến trúc Hoa Bắc và “vì kèo chồng”, đặc trưng cho phong cách kiến trúc Hoa Nam của miền Nam Trung Hoa.

Một điều hết sức thú vị đáng lưu ý là mặt dù loại hình vì kèo có nguồn gốc miền Nam Trung Hoa đó đã có mặt trên cùng một cấu kiện kiến trúc Việt Nam nhưng không đối chọi, mâu thuẫn nhau mà lại xoắn quyện và hòa hợp với nhau thành một thể thống nhất, nét đặc trưng của một phong cách riêng biệt: phong cách Hội An. Đó chính là sự thành công rực rỡ của các nghệ nhân nghề mộc tài hoa Kim Bồng ở Hội An trong những thế kỉ trước đây.


Một đặc điểm khác nữa về kết cấu kiến trúc cần lưu ý là hệ mái: hệ mái truyền thống Việt Nam của các di tích lịch sử ở đô thị cổ Hội An đều có độ dốc mái khá thống nhất với tỉ lệ 5/10, nghĩa là 50%, trong khi đó Chùa Cầu hay Lai Viễn Kiều do người Nhật thiết kế trước đây và được các nghệ nhân Việt Nam thi công lại có hệ mái với độ dốc khá nhỏ, gần như nằm ngang. Đó là một đặc điểm kiến trúc ít gặp thấy ở các nước Đông Nam châu Á nhưng phổ biến ở vùng Viễn Đông, điều đó làm cho di tích cổ này mang sắc thái kiến trúc Nhật Bản. Điều này đã làm cho không một ai có thể phủ nhận sự có mặt của nền văn hóa Nhật Bản đã cấy trồng ở Hội An trong quá khứ. Song mái Cầu Nhật Bản đã kết hợp một cách hài hòa với những bộ phận khác còn lại của công trình và làm cho chiếc cầu cổ mang vẻ đẹp riêng nhưng gần gũi. Cấu trúc của bộ khung và độ cong thoải mái của nền cầu bằng gỗ là điểm gặp gỡ giao duyên của hai nền nghệ thuật kiến trúc Việt Nam - Nhật Bản.


Trong trang trí kiến trúc nội thất và ngoại thất ở tất cả các di tích lịch sử ở đô thị cổ Hội An, các đề tài thường lấy từ thiên nhiên và sinh hoạt đời thường với những hoa văn, họa tiết, mô típ như hoa lá, chim muông, giao long, tứ linh, cá chép hóa rồng, mặt trời âm dương, mây cuộn, đôi trâm vắt chéo, bát bửu, chữ thọ, quạt xòe, tứ quý, thập bát tiên, tứ dân, sinh hoạt vua quan v.v… được chạm khắc trên các bộ phận kiến trúc bằng gỗ, nhất là trên các bộ vì chồng rường, vì kẻ chuyền, vì vỏ cua, khung cửa, bẩy hiên, tai cột, mắt cửa v.v… bằng các thủ pháp chạm chìm, chạm nổi, chạm thủng, chạm lộng, chạm bong kênh truyền thống; những họa tiết và mô típ trên các bức tường được đắp nổi và nạm ghép sành sứ nhiều màu sắc và trên các cột đá, các văn bia được chạm thật tinh xảo và tuyệt mĩ. Đặc biệt, những điêu khắc trên gỗ đã làm cho các kết cấu kiến trúc được cách điệu, làm cho chúng không còn là các bộ phận chịu lực nữa mà chỉ là những chi tiết trang trí kiến trúc nhẹ nhõm đầy sức hấp dẫn. Tuy nhiên người ta biết rõ các hình mặt trời, chiếc quạt xòe rộng v.v… là những trang trí có vai trò quan trọng trong nghệ thuật Nhật Bản, cũng như hình chữ thọ, bát bửu, quả đào, con dơi, con cua, tôm càng, quả lựu v.v… được tiếp nhận từ nghệ thuật Trung Hoa và những đề tài điêu khắc thuận Việt thường thấy là hoa trái, chim muông, tứ quý, tứ dân, đôi trâm vắt chéo với giải lụa, giao long, hoa sen, cá chép, bát quái… Nhưng thật khó mà phân biệt rõ ràng những mô típ trang trí thuần Việt với các mô típ trang trí du nhập từ Trung Hoa hay vay mượn của Nhật Bản, điều đó làm cho các công trình điêu khắc của các di tích lịch sử nổi tiếng ở đô thị cổ thêm đa dạng và phong phú.


Mặt khác, cần hiểu rằng các hình chạm khắc đó đều mang những nội dung tư tưởng cụ thể khác nhau: hình dơi riêng lẻ hay thành nhóm ba bốn con… có ý nghĩa chúc phúc, hình giao long gợi lên sự hóa rồng và quyền lực, hình chim phượng biểu hiện sự vận hành của vũ trụ, hình kỳ lân hiện thân cho tình phu thê chung thủy, hình giao long đùa với cá chép tiêu biểu cho sự dư thừa, sự sắp thành đạt, hình cá chép hóa long có ý nghĩa nguồn nước và sự dẫn đường cho thường thuyền vượt biển, hình mặt trời âm dương biểu hiện nguồn gốc và sức mạnh của vũ trụ, hình chữ thọ cầu nguyện cho sự trường tồn, hình đôi trâm vắt chéo với giải lụa nói lên sự cầu mong cho mọi sự như ý, hình các con dơi bao quanh chữ thọ chứa đựng lời chúc bốn phương đều hạnh phúc v.v…


Cái đẹp của các công trình điêu khắc đó không chỉ được biểu hiện trong các hình thức thể hiện sắc sảo mà còn cả trong sự hàm chứa các nội dung triết lý nhân sinh sâu sắc.


Các công trình điêu khắc trên gỗ đó tuyệt đại bộ phận là của các nghệ nhân làng mộc Kim Bồng ở Hội An đã sống vào những thế kỷ đó. Với khối óc thông minh sáng tạo, những bàn tay khéo léo tài hoa, bản tính cần cù nhẫn nại, những nghệ nhân chạm khắc bậc thầy đó đã để lại đến ngày nay cho chúng ta những tác phẩm tuyệt mĩ, được tạo ra từ sự giao thoa của nhiều dòng văn hóa, từ sự hòa điệu của nhiều phong cách nghệ thuật. Lưỡi đục của những người thợ mộc Kim Bồng đã chạy trên gỗ ở tất cả những chỗ cần chạm trổ và có thể chạm trổ được với kỹ xảo chạm khắc truyền thống về chạm chìm, chạm nổi, chạm thủng, chạm lộng, chạm bong kênh nhiều tầng nhiều lớp, đã khắc họa nên những hình khối nhuần nguyễn, những đường cong nét lượn thanh thoát, những hoa văn, họa tiết sinh động, hết sức hấp dẫn, vô cùng độc đáo, giàu tính truyền thống, không lặp lại ở nơi đâu và không tìm thấy ở nơi khác. Vì vậy mà các tác phẩm điêu khắc trang trí nội thất và ngoại thất tuyệt vời của các nghệ nhân làng mộc Kim Bồng đã sống mãi với dân gian…

Cũng cần phải nói thêm rằng hội họa dân gian ở đô thị cổ Hội An thể hiện phổ biến dưới hình thức tranh vẽ trang trí nội thất với các bức tứ bình, tứ quý, các tranh phong cảnh, sơn thủy, chim thú bằng chất màu tươi sáng và các bức chân dung thờ bằng mực tàu trên giấy dó mang dáng dấp Trung Hoa, có sức thấm đọng sâu sắc vào lòng người.


Các bức tượng lớn nhỏ của các vị Phật, các vị Thần trong các công trình tín ngưỡng, dù đứng riêng lẻ hay trong một hợp thể đều là những công trình nghệ thuật tạc tượng độc đáo gây được những ấn tượng thẩm mỹ mạnh mẽ…

Nói tóm lại, đô thị cổ Hội An mang trong lòng mình qua nhiều thế kỷ một kết cấu kiến trúc, trang trí kiến trúc, trang trí nội thất và ngoại thất với vẻ đẹp cổ xưa trong mọi di tích lịch sử mà chúng thể hiện một sự giao thoa, hòa điệu của nhiều phong cách nghệ thuật khác, nhau, từ đó tạo ra phong cách Hội An. Đó là sự tổng hòa của quá trình hội nhập, thẩm thấu, dung nạp một cách chọn lọc các yếu tố văn hóa ngoại lai, một sự giao lưu và hỗn dung giữa nền văn hóa ngoại lai, một sự giao lưu và hỗn dung giữa nền văn hóa dân tộc với nền văn hóa của thế giới, các khu vực Đông Nam châu Á và Viễn Đông. Như vậy có nghĩa là vẻ đẹp độc đáo của các di tích kiến trúc của đô thị cổ Hội An đã hội tụ, tổng hòa được các yếu tố của nền nghệ thuật truyền thống được làm phong phú thêm nhờ những yếu tố nghệ thuật nước ngoài, đa dạng về chủng loại, phong phú về đồ án, điêu luyện về đường nét. Tuy nhiên trong quá trình du nhập, vay mượn và tiếp nhận các yếu tố văn hóa bên ngoài đó, phong cách Hội An vẫn không bao giờ để cho các yếu tố ngoại lai lấn át các yếu tố bản địa và đã bảo tồn được vững chắc các nền tảng truyền thống độc đáo và các yếu tố bản sắc đặc thù của dân tộc mình và vì vậy mà tạo nên được sự hài hòa và thống nhất giữa cái riêng biệt trong cái tổng thể, giữa cái ngoại lai trong cái nội tại.

 

Một đặc điểm cần lưu ý rằng trên lãnh thổ Việt Nam, khi các công trình kiến trúc, điêu khắc, tạc tượng của miền Bắc đậm đà sắc thái của nền nghệ thuật thời Lý - Trần thì ở đô thị cổ Hội An, các di tích lịch sử và nghệ thuật lại thể hiện rõ nét phong cách nghệ thuật thời Nguyễn thanh thoát, bay bổng, tạo nên sự hài hòa giữa kiến trúc xây dựng và trang trí nội thất trong một không gian nghệ thuật.

Nhờ đó mà đô thị cổ Hội An đã trở thành một di sản vô giá trong di sản văn hóa Việt Nam và cả trong kho tàng văn hóa thế giới.


(*) Xem thêm

Bình luận